Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa Trần Nhân Tông
bầy 排
dt. quần thể động vật. Cây cụm chồi cành chim kết tổ, ao quang mấu ấu cá nên bầy. (Ngôn chí 11.6)‖ (Nhạn trận 249.2).
dt. <từ cổ> quần thể sự vật. Tính ắt nhiễm cùng bầy mộc thạch, lòng còn chạnh có thú yên hà. (Tự thuật 118.3).
dt. <từ cổ> quần thể người theo một tiêu chí nào đó. Chơi cùng đứa dại nên bầy dại, kết với người khôn học nết khôn. (Bảo kính 148.5). cn bầy thiền tử (Trần Nhân Tông – Cư Trần Lạc Đạo Phú 25b), Bầy tôi. (TKML i 13a), Bầy tiên. (TKML i 54b), Bầy yêu quái. (TKML i 54b). x. bầy bạn.
chằm 箴 / 針
◎ Nôm: 沉 Đọc theo âm Việt hoá. AHV: châm (kim, khâu). Sách Hoài Nam Tử thiên Thuyết sơn có câu: “khâu thành màn” (針成幕). Đồng nguyên với chặm.
đgt. <từ cổ> xâu, khâu các lớp mỏng lại với nhau cho dày dặn. “chằm: may kết bằng chỉ to, bằng kim đục. Chằm nói. Chằm buồm. Chằm áo tơi. Chằm lưới. Chằm vá. Chằm khíu. Chằm mo. Chằm gàu” [Paulus của 1895: 118]. Chốn ở, chái căn lều lá, mùa qua, chằm bức áo sen. (Tức sự 124.4)‖ (Bảo kính 134.3). Hoặc chằm hoặc trải (Trần Nhân Tông - Cư Trần Lạc Đạo Phú) [TT Dương, NH Vĩ 2012h].
dang 揚
◎ Phiên khác: ruồng (TVG), duồng (ĐDA, VVK). Nay theo MQL, PL.
đgt. <từ cổ> lui ra, xích ra [Paulus của 1895: 222]. Lành người đến, dữ người dang, yêu xạ vì nhân mùi có hương. (Bảo kính 147.1). rắn ông tồn ngang thế giới, người thấy ắt dang. (Trần Nhân Tông – Cư Trần Lạc Đạo Phú).
giơ 𲉢
◎ (a 阿+ gia 耶). Kiểu tái lập: *?giơ. Ss 阿質 a chất ghi ?*giặt. (Phật Thuyết) [HT Ngọ 1999: 58, 110, 114; TT Dương 2012a].
đgt. đưa cao lên. Giũ bao nhiêu bụi, bụi lầm, giơ tay áo đến tùng lâm. (Ngôn chí 5.2). Thuyền tử giơ (耶) chèo (Trần Nhân Tông - Cư Trần Lạc Đạo Phú).
Hà Hữu 何有
dt. chốn không có gì, chốn hư không, dịch từ câu vô hà hữu chi hương 無何有之鄉 (quê hương của không có gì) trong sách Trang Tử thiên Tiêu diêu du có đoạn: “Huệ Tử nói với Trang Tử: ‘tôi có một cây lớn, người ta thường gọi là cây sư, cái gốc đại của nó thì phình to chẳng thước mực nào nẻ được, cành nhỏ của nó thì cong queo chẳng vào thước quy thước củ nào đo được; dựng nó bên đường, không thợ mộc nào thèm ngó tới. Nay lời của ngài to tát mà vô dụng, mọi người đều bỏ đi hết.’ Trang Tử trả lời: ‘riêng ông chẳng thấy con chồn con ly kia chăng? nó co mình nằm phục, đợi người đi chơi qua; nó nhảy nhót khắp nơi, trèo lên nhảy xuống; cho đến khi rớt xuống cạm hố, chết trong lưới bẫy. Nay có con ly ngưu, mình nó to như mây buông trên trời. Loài vật đó tuy to lớn, nhưng chẳng thể bắt chuột được. Nay ông có cái cây to, e là nó vô dụng, thế sao ông không trồng nó ở chốn hư không, giữa cánh đồng bát ngát, để có thể đi vơ vẩn bên cây, hay nằm chơi thảng thích dưới gốc? chẳng cần rìu búa, vật vô hại chẳng dụng vào được việc gì, sao ngài cứ lo nghĩ mãi về việc ấy vậy!” (惠子謂莊子曰:“吾有大樹,人謂之樗。其大本擁腫而不中繩墨,其小枝卷曲而不中規矩,立之塗,匠者不顧。今子之言,大而無用,眾所同去也。”莊子曰:“子獨不見狸狌乎?卑身而伏,以候敖者;東西跳梁,不辟高下;中於機辟,死於網罟。今夫斄牛,其大若垂天之雲。此能為大矣,而不能執鼠。今子有大樹,患其無用,何不樹之於無何有之鄉,廣莫之野,彷徨乎無為其側,逍遙乎寢臥其下?不夭斤斧,物無害者,無所可用,安所困苦哉!). Nước non kể khắp quê Hà Hữu, sự nghiệp nhàn khoe phú Tử Hư. (Mạn thuật 36.3). quê Hà Hữu được mượn để trỏ chỗ bao la bát ngát, hư không tĩnh mịch, không có huyên náo bụi trần. Nằm nhãng trong quê Hà Hữu (Trần Nhân Tông - Cư Trần Lạc Đạo Phú 4a1).
hèn hạ 閑暇
◎ Phiên khác: nhàn hạ: xem dửng dưng không ra gì (ĐDA). Nay theo Schneider.
tt. <từ cổ> thấp kém. Gia tài ấy xem hèn hạ, đạo đức này khá chính chuyên. (Bảo kính 186.5). Công danh chẳng chuộng, phú quý chẳng màng, tần hán xưa kia xem đà hèn hạ. (Trần Nhân Tông - Cư Trần Lạc Đạo Phú).
ngẫm ngọt 吟𠮾
đgt. <từ cổ> ngẫm nghĩ. Ngẫm ngọt sơn lâm miễn thị triều, nào đâu là chẳng đất Đường Nghiêu. (Mạn thuật 24.1)‖ Tiên Bô kết đã bấy thu chầy, ngẫm ngọt dường bằng mếch trọng thay. (Mai thi 225.2). Tuy rằng học đạo hư vô, ngẫm ngọt hỏi thiền ngọn nghẽ (Trần Nhân Tông - vịnh vân yên tự phú).
nén 𱴸
◎ (sic),các văn bản nôm thường bị nhầm chữ “碾” (AHV: niễn) với chữ Nôm “nặng” 𥘀, dẫn đến một số từ điển đã sưu tập những tự dạng này [NQH 2006: 741]. Xét, “niễn 碾: con lăn, ống trục nghiền như cái con lăn để tán thuốc vậy, dùng bánh tròn hay cột tròn lăn cho nhỏ đất cũng gọi là niễn.” [ĐT Kiệt 2010]. Như vậy, niễn sẽ cho các đồng nguyên tự là nghiến (chèn lên, nghiến răng), nghiền (-bột, -cám) và nèn (dùng lực đè lên cho chặt), nén (đè xuống ghìm xuống). Phiên khác: rán: cố gắng (BVN). Nay theo TVG, ĐDA, Schneider, VVK, MQL, PL.
đgt. ghìm lại, kìm lại, “đè nén: suspicari” [Taberd 1838: 330]. Nén lấy hung hăng bề huyết khí, tai nàn chẳng phải lại thung dung. (Tự giới 127.7). Nén niềm vọng mựa còn xốc xốc (Trần Nhân Tông - Cư Trần Lạc Đạo Phú).
nừng 能
◎ Tày: nứng, nâng, nấng (số một). [HTA 203: 388]. Phiên khác: năng, hay.
p. <từ cổ> ít, chỉ, chỉ có. “僅 cận: nừng, ít, chỉ có thế” [Thiều Chửu 1999: 30]. “僅 cận: nầng” [Nguyễn Bỉnh 1909: 33a; ngũ thiên tự 1932: 92; vũ văn kính 2003: 97; cứ liệu và ý kiến của lê hữu mục chuyển dẫn trần uyên thi 2010]. Trúc thông hiên vắng trong khi ấy, nừng mỗ sơn tăng làm bạn ngâm. (Ngôn chí 5.8)‖ Tranh giăng vách nài chi bức, đình thưởng sen nừng có căn. (Tự thán 110.4)‖ Khí dương hoà há có tây ai, nừng một hoa này nhẫn mọi loài. (Đào hoa thi 230.2)‖ Nừng có mỗ Bụt hay trừ ← (duy Phật năng trừ 惟佛能除) (Phật Thuyết, 43a) ‖ Biết đào hồng hay liễu lục, thiên hạ nừng mỗ chủ tri âm (Trần Nhân Tông- Cư Trần Lạc Đạo Phú, đệ nhất hội).
quốc 國
dt. nước, quốc gia. Quốc phú binh cường chăng có chước, bằng tôi nào khuở ích chưng dân. (Trần tình 37.7). Thiền ngõ năm câu, nằm nhãng trong quê Hà Hữu; kinh xem ba biến, ngồi ngơi mé quốc Tân La. (Trần Nhân Tông – Cư Trần Lạc Đạo Phú), Cuốc cha trị đến (Kinh lạy cha, 1778). Vì cŏấc tlên blời (Rhodes 1651).
rốt 卒
◎ Nôm: 󰭾 / 室 {票 phiêu +巨 cự}, nhầm từ 栗 {栗 lật + 巨 cự}, kiểu tái lập *krot⁵ [TT Dương 2012c]. rốt là từ gốc Hán, với nghĩa là “chết” trong từ chết tốt. Thú vị là với nghĩa này thì AHV đọc là tuất, như tử tuất. Thế nhưng người Việt vẫn quen đọc là tốt. Từ động từ nghĩa là chết, chữ tốt chuyển sang dùng làm phó từ với nghĩa là “sau cuối, cái đoạn cuối cùng”, tiếng Việt gọi là rốt / rút. Như câu 卒能成事 tuất năng thành sự (rốt cục có thể nên việc). Đứng trong dãy 鬚 râu > tu, 瀉 rửa > tả, 胥 rể > tế, thì 卒 rốt > tốt rất có thể là âm THV.
dt. <từ cổ> cuối, đoạn cuối, lưu tích còn trong chữ sau rốt, rốt cuộc . “rốt: ở đàng sau hết, ở sau chót, ở dưới chót. rốt đáy: ở dưới chót, ở dưới đáy. rốt năm: cuối năm, cùng năm.” [Paulus của 1895: 883]. so bốn mùa đâu bằng xuân rốt (hoàng sĩ khải - tứ thời khúc vịnh)‖ rốt đời nhà trần vâng mệnh sang sứ nước bắc (Truyền Kỳ Mạn Lục giải âm - hạng vương từ ký). Còn lưu tích trong các chữ rốt lòng, rốt hết, rốt ráo. Chưng lời đức thánh đời trước noi trời dựng mực rốt chẳng chi lớn hơn việc lễ <tiền thánh kế thiên lập cực chi đạo mạc đại ư lễ 前聖繼天立極之道莫大於禮 (Lễ Ký đại toàn tiết yếu diễn nghĩa - Lễ Ký đại toàn tự: 1a).
p. <từ cổ> cuối cùng. Tuỳ binh thiêu đốt bốn bên, hậu lý rốt bèn khôn biết cậy ai. (Thiên Nam Ngữ Lục, c. 2704) hai mươi tuất rốt, hai mươi mốt nửa đêm: tiếng nói về mặt trăng, ngày hai mươi coi giờ tuất, ngày hai mốt chừng nửa đêm mới mọc” Tai thường phỏng dạng câu ai đọc: “rốt nhân sinh bảy tám mươi”. (Tự thán 76.8)‖ (Bảo kính 138.8). Dịch câu nhân sinh thất thập cổ lai hy 人生七十古來稀 của Đỗ Phủ.
đgt. <từ cổ> dịch chữ cùng 窮 (thực hiện đến cùng, cố cùng, làm cho rốt ráo), lưu tích còn trong từ rốt ráo. Chàu mặc phận, nguôi lòng ước, rốt an bần, ấy cổ lề. (Tự thán 88.6). cùng (窮) nơi ngôn cú, chỉn chăng hề một phút ngại lo; rốt (栗) thửa cơ quan, mựa còn để tám hơi đụt lốc (Trần Nhân Tông - Cư Trần Lạc Đạo Phú 28a2).
thằng 尚
◎ Ss đối ứng tʼaŋ (14 thổ ngữ Mường), saŋ, săŋ (7), hăŋ (3), lɤw [NV Tài 2005: 275].
dt. <từ cổ> người (loại từ chỉ người làm nghề nào đó), không có nghĩa coi thường như giai đoạn thế kỷ XVII về sau. phong tay cầu, chưng cầu thằng ngụ (Trần Nhân Tông- Vịnh Hoa Yên 12b), thằng ngụ: tức ông ngụ. Cổ tương là thằng gánh nước bán rao. (CNNA 11).
tráu 𬕩
AHV: trạo 棹. Kiểu tái lập: *tláu. *tláu > tráu. *tláu > rào. rào > dào, dậu, giậu, giạu, rào [TT Dương 2013b]. Ss đối ứng: raw2 (muốt), haw2 (nà bái), raw2 (chỏi), raw2 (khẻn) [PJ Duong 2012: 9]. Phiên khác: giậu (TVG, ĐDA, Schneider, BVN, VVK, MQL, NTN, PL).
dt. <từ cổ> bờ dậu, rào giậu bằng tre nứa [TH Thung 1997: 261; HX Hãn 1998: 1155]. Tráu sưa sưa hai cụm trúc, chường tấp tấp một nồi hương. (Tức sự 126.1)‖ Tráu cúc thu vàng nảy lác, sân mai tuyết bạc che đều. (Bảo kính 164.3)‖ cửa tráu gai phên trúc cài then (Trần Nhân Tông - Cư Trần Lạc Đạo Phú). tráu gai sơ đóng cửa chuồng gà, đèn lửa chưa xuống chuồng trâu. (Tuệ Tĩnh - Thiền Tông Khoá Hư Ngữ Lục).
trừng trừng 澄澄
◎ Phiên khác: chừng chừng: tính không biến chất (Schneider), trừng trừng: mở to mắt nhìn biểu thị ngạc nhiên (NQH), rành rành (BVN).
đgt. <từ cổ> khư khư, khăng khăng, như trần trần. Trời phú tính, uốn nên hình, ắt đã trừng trừng nẻo khuở sinh (Tự thán 96.2)‖ lay ý thức chớ chấp trừng trừng; nén niềm vọng mựa còn xốc xốc (Trần Nhân Tông - Cư Trần Lạc Đạo Phú).
xã tắc 社稷
dt. sách Tuân Tử thiên Lễ luận viết: “xã: thần đất. Tắc: thần ngũ cốc. Thần xã và thần tắc là hai vị thần hàng đầu trong quốc tế xưa, đích thân hoàng đế làm chủ tế”. Sau xã tắc được dùng để trỏ đất nước nói chung. xã tắc hai phen chồn ngựa đá, non sông nghìn thuở vững âu vàng (社稷兩回勞石馬,山河千古奠金甌) (Trần Nhân Tông). Bát cơm xoa, nhờ ơn xã tắc, căn lều cỏ, đội đức Đường Ngu. (Ngôn chí 15.5).
xốc xốc 觸觸
AHV: xúc xúc. xộc, xốc, xóc, thúc, thốc đều là các âm Việt hoá của xúc 促 (thôi thúc, gấp gáp). đến chốn cùng, thực trong chiêm bao lại nói sự chiêm bao, là quay quay, đảo đảo, thôi thôi, xốc xốc (Tuệ Tĩnh- thiền tông 13b), chữ xốc xốc 促促 dịch chữ thông thông 匆匆 (vội vàng). “xộc xộc: bộ xốc vào mạnh mẽ” [Paulus của 1895: 1200], “xốc: a vào, xán vào, tốc ra” [Paulus của 1895: 1200], “précipiter (xông vào), s’engager résolument dans (kiên quyết đi vào, dấn vào)” (Schneider). “xọc xọc: trỏ sự áp tới” [HXH: 1109].
đgt. HVVT <từ cổ> “chăm lo luôn luôn” [ĐDA: 763], “chăm chắm để tâm vào điều gì đó” [HT Ngọ 2009: 114]. Nẻo xưa nay cũng một đường, đây xốc xốc nẻo tam cương. (Tự thán 93.2)‖ lay ý thức chớ chấp trừng trừng; nén niềm vọng mựa còn xốc xốc (Trần Nhân Tông- Cư Trần Lạc Đạo Phú, thế kỷ XIII) . xộc xộc, xóc xóc, thúc thúc, thốc thốc.
đâm 󰝡
◎ Ss đối ứng: tăm (Tày) [HTA 2003: 494], tâm² (nguồn), tâm² (Mường bi) [NV Tài 1993: 236]. .
đgt. <từ cổ> giã. “dam gao, xay lua: tundere et molere oryzam. Coi dam”. [Morrone 1838 : 233]. Một tiếng chày đâu đâm cối nguyệt, khoan khoan những lệ ác tan vầng. (Tích cảnh thi 199.3). Nhắm trường sinh, về thượng giới, thuốc thỏ còn đâm (Trần Nhân Tông - Cư Trần Lạc Đạo Phú 21a).
đắp 答 / 㙮 / 荅
◎ Ss đối ứng tăp, tum, dum (30 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 210].
đgt. xây, bảo vệ. Thục Đế để thành trêu tức, phong vương đắp luỹ khóc rân. (Điệp trận 250.6).
đgt. phủ chăn lên mình. Lọn khuở đông, hằng nhờ bếp, suốt mùa hè, kẻo đắp chăn. (Trần tình 38.4)‖ Ngoài ấy dầu còn áo lẻ, cả lòng mượn đắp lấy hơi cùng. (Tích cảnh thi 208.4).
đgt. <từ cổ> đổi, lưu tích còn trong đắp đổi. Lấy khi phú quý đắp cơ hàn, vần chuyển chăng dừng sự thế gian (Bảo kính 133.1, 144.6).
đgt. <từ cổ> che tai, bịt tai không nghe [MQL 2001: 750]. Hễ tiếng dữ lành tai quản đắp, cầu ai khen miễn lệ ai chê. (Thuật hứng 48.7)‖ (Bảo kính 165.8). Ngậm miệng đắp tai, hề cho hoạ cả (Trần Nhân Tông- Đắc Thú).
đứa 丁
◎ Nôm: 打 / 𠀲 Phiên khác: đánh thơ: dịch chữ “chiến thi” của Hàn Dũ (TVG, ĐDA). Nay theo VVK. Xét, chữ “丁” AHV là “đinh”, âm THV Việt hoá là “đứa” < đá (THV). Âm “đá” này làm thanh phù cho “打” (đả), nguyên âm -a- còn bảo lưu trong âm THV “đánh”. Hoặc, âm “đảnh”/ đỉnh (頂), “đanh”/ “đinh” (釘). Vả lại, chữ Nôm luôn dùng 丁 làm thanh phù. Đối ứng dɯa³ (Mường) [VĐ Nghiệu 2011: 57].
dt. <từ cổ> dân đinh, người đã đủ tuổi để gánh vác việc thuế dịch thời xưa. Vào tiếng Việt, ngữ tố này mới trở thành loại từ chỉ người. Miệt bả hài gai khăn gốc, xênh xang làm mỗ đứa thôn nhân. (Mạn thuật 33.8)‖ (Bảo kính 148.8)‖ Thế những cười ta rằng đứa thơ, dại hoà vụng nết lừ cừ. (Tự thán 90.1, 95.7, 102.4). Công danh mảng đắm, ấy toàn những đứa ngây thơ (Trần Nhân Tông - Cư Trần Lạc Đạo Phú).
ảo hoá 幻化
tt. AHVhuyễn hoá, nghĩa gốc là “sự biến đổi”, trong đó huyễn = hoá (từ kép đẳng lập), như: “幻化也” (Quảng Vận). Liệt Tử phần chu mục vương ghi: “Những việc mà đến lúc cùng thì sẽ biến đổi, nhân theo hình mà thay đổi, đó gọi là hoá, gọi là ảo…… nên biết rằng việc ảo hoá không khác gì với việc sống chết.” (窮數達變,因形移易者,謂之化,謂之幻.…知幻化之不異生死也). Sau được dùng để dịch thuật nhữ māyā-upamatā của Phật giáo, trỏ vạn vật không có thực tính. Đào Uyên Minh trong bài Quy viên điền cư có câu: “đời người tựa ảo hoá, thảy đều về hư vô” (人生似幻化,終當歸空無 nhân sinh tự ảo hoá, chung đương quy không vô). Toàn Đường Thi (q.806) bài Hàn san thi có câu: “phù sinh ảo hoá như đèn lụi, thân vùi dưới đất ấy hữu - vô” (浮生幻化如燈燼,塚內埋身是有無 phù sinh ảo hoá như đăng tận, trủng nội mai thân thị hữu vô). Người ảo hoá khoe thân ảo hoá, khuở chiêm bao thốt sự chiêm bao. (Thuật hứng 47.3). ai ai sá cóc: bằng huyễn chiêm bao; xẩy tỉnh giấc hoè, châu rơi lã chã. Cóc hay thân huyễn, chẳng khác phù vân; vạn sự giai không, tựa dường bọt bã. [Trần Nhân Tông - Đắc Thú lâm tuyền 31a]. kinh kim cương có câu: “tất thảy phép hữu vi, như bóng bọt mộng ảo” (一切有爲法,如夢幻泡影 nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh).